Tin trong nước Tin trong nước

Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử

BHG - Sáng 23.7, Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương nhằm đánh giá việc thực hiện Chính phủ điện tử đã được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ngành TƯ; đại biểu các điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban, ngành liên quan…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang

Xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã thành lập BCĐ xây dựng Chính phủ điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP. Việc hoàn thiện thể chế đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

6 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết quy định về chế độ báo cáo của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước;  xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia qua việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, dân cư, đất đai quốc gia, tài chính; từng bước nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước tại 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và 93,4% quận, huyện, thị xã.

Thời gian tới, để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả, các đơn vị tiếp tục chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hoàn thiện các phần mềm quản lý và điều hành; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đặc biệt là cán bộ văn thư, lưu trữ để đảm bảo văn bản gửi trên Trục liên thông văn bản quốc gia đúng thể thức, thẩm quyền… Các bộ, ngành trong BCĐ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử….

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nên cần sự quyết tâm của các bộ, ban, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả. Đồng chí đánh giá cao kết quả đã đạt được, những chuyển biến tích cực trong nhận thức về Chính phủ điện tử và sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời nghiêm túc chỉ ra những hạn chế và yêu cầu sớm khắc phục như: Chất lượng dịch vụ công chưa cao; tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia còn chậm, thiếu sự tập trung; còn có sự chồng chéo trong việc triển khai nhiệm vụ giữa các bộ, ngành; mô hình hoạt động chưa thống nhất giữa TƯ và địa phương… Để từng bước đưa Chính phủ điện tử hoàn thiện trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Các bộ, ban, ngành TƯ và địa phương cần chủ động, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 17/NQ-CP; tập trung xây dựng và sớm đưa vào vận hành Trung tâm dịch vụ công Quốc gia vào cuối năm 2019; tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng; phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong xây dựng Chính phủ điện tử…

Nguồn Báo Hà Giang

 


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường