Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Ngành Tài chính đang tiếp cận giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số

Chính phủ đang thể hiện những nỗ lực và quyết tâm cao trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân. Trong đó, ngành Tài chính nói riêng đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử. Đến nay, công nghệ thông tin (CNTT) đã được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành huyết mạch trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt của ngành. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính tại Diễn đàn Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính trình bày tham luận về tiến trình chuyển đổi số của ngành Tài chính.

Từ dẫn đầu mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh và các phương thức sản xuất, kinh doanh mới để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để thực hiện được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thành công, các quốc gia, tổ chức cần phải thực hiện "Chuyển đổi số". Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành Tài chính nói riêng đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, CNTT đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành huyết mạch trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt, cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.

Trong 6 năm liên tiếp (2013-2018), Bộ Tài chính là Bộ đứng đầu khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index).

Công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đẩy mạnh, đồng thời tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành 6 Quyết định công bố bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 15 thủ tục hành chính và ban hành mới 15 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm. Đồng thời, rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt 99,98% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước. 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, 94,73% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử. Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan, đã có 13/14 bộ ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế này.

Bộ Tài chính cũng đã phát triển, quản lý và vận hành nhiều hệ thống thông tin lớn, cốt lõi trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách được Đảng và Nhà nước giao quản lý, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên ngành tài chính, thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc, chứng khoán, dự trữ. Các hệ thống thông tin này đã góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính gồm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng và triển khai. Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành bước đầu đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính công theo hướng hiện đại. Điều này từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách các thể chế, thay đổi quy trình, thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khoá, kế toán và thống kê NSNN.

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT trong nội bộ Bộ Tài chính đạt được một số kết quả nhất định như 100% các thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo được đưa lên Cổng thông tin điện tử, liên thông văn bản điện tử trong toàn ngành Tài chính qua việc triển khai chương trình eDocTC. Một số hệ thống thông tin quản lý tập trung nội ngành được triển khai và hoàn thiện như: phần mềm quản lý tài sản nội ngành, kế toán nội ngành, phần mềm thi đua khen thưởng… Hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất của riêng ngành Tài chính được duy trì hoạt động ổn định, sử dụng công nghệ MPLS là công nghệ thích hợp, là nền tảng cho hạ tầng mạng đa dịch vụ và ảo hóa phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT toàn ngành Tài chính.

Việc bảo đảm an toàn thông tin được tổ chức triển khai một cách bài bản và toàn diện, các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin đã được thực hiện và tích hợp trong tất cả các công đoạn liên quan đến thông tin và hệ thống thông tin, không làm ảnh hưởng hay ngừng trệ hoạt động của hệ thống.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã bước đầu triển khai ứng dụng một số công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như: áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai xây dựng môi trường điện toán đám mây ngành Tài chính (MOF Cloud); triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các DVCTT, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN.

"Chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước" là một trong những chủ đề được quan tâm nhất tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019.

Đến tiên phong xây dựng Tài chính số

Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cơ quan Chính phủ đang khẩn trương nghiên cứu và tiến hành thực hiện quá trình chuyển đổi số để tiến tới Chính phủ số. Bộ Tài chính với vai trò là đơn vị nhiều năm dẫn đầu về ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Chính phủ cần là một trong các đơn vị tiên phong tiến hành xây dựng Tài chính số.

Tài chính số được hiểu là việc sử dụng các công nghệ số trong việc quản lý và điều hành hoạt động tài chính như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa tài chính chính phủ để tạo ra các giá trị công. Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái tài chính Chính phủ số bao gồm các tác nhân liên quan đến chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, thúc đẩy sự tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung liên quan đến việc quản lý và điều hành tài chính công thông qua sự tương tác với chính phủ trên các nền tảng kỹ thuật số, giúp việc quản lý và điều hành tài chính công của chính phủ minh bạch, hiệu lực và hiệu quả hơn.

Mục tiêu chuyển đổi số ngành Tài chính là chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành kiến trúc chính phủ điện tử Bộ Tài chính (Quyết định 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018), định hướng chuyển đổi số ngành Tài chính được thực hiện trong 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn tới năm 2020, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa.

Giai đoạn 2021 tới 2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, ngành Tài chính sẽ thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ Tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số.

Tuệ Anh

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tài chính

 

 


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường