Tin trong nước Tin trong nước

Hướng tới Tài chính số là nhiệm vụ then chốt để hiện đại hoá ngành tài chính

Nhấn mạnh chuyển đổi số là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng cách mạng 4.0 phải xuất phát từ các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt làm công tác chuyên môn để từ đó nắm bắt, thay đổi nhận thức và chỉ đạo hành động.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng ngày 12/9/2019

Sáng ngày 12/9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Quyết định số 844/QĐBTC ngày 21/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, các doanh nghiệp CNTT. Hội nghị còn có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo các hệ thống, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo các đơn vị tài chính địa phương và các cán bộ chủ chốt trong công tác CNTT – thống kê ngành Tài chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, Cách mạng 4.0 không phải của riêng người làm CNTT, mà phải xuất phát từ các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt làm công tác chuyên môn, để từ đó nắm bắt, thay đổi nhận thức và chỉ đạo hành động.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Toàn cảnh Hội nghị.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 được ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đây là một sự kiện quan trọng trong quá trình ứng dụng CNTT để đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển Tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số.

Tất cả các đơn vị trong ngành tài chính cần coi việc phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp hiện đại hoá ngành tài chính. Các đơn vị cần phối hợp tốt với hệ thống tin học và thống kê tài chính để thực hiện thành công các nội dung trên.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính đã giới thiệu về các nhiệm vụ, giải pháp Bộ Tài chính được giao chủ trì tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời trình bày về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 tại Quyết định số 844/QĐ-BTC.

Ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính

Mục tiêu của kế hoạch hành động là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển Tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ,toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Xây dựng Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; Thiết lập cơ chế đảm bảo thực thi.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Trung – Thành viên Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chia sẻ về các định hướng triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử như về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; về định danh và xác thực điện tử, bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Trong đó, ông Nguyễn Thế Trung đã đưa ra một số lưu ý về định danh xác thực số - danh tính số đối với ngành Tài chính, như định danh số là một tài sản giá trị và là trụ cột của kinh tế số.

Ông Nguyễn Thế Trung – Thành viên Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Theo kinh nghiệm các nước thì Bộ Tài chính luôn là nhà cung cấp danh tính số đáng tin cậy nhất thông qua hệ thống Thuế. Việc triển khai danh tính số sẽ đảm bảo sự chính xác của các giao dịch, việc liên kết dữ liệu theo danh tính để quản trị nền tài chính vững mạnh hơn. Vì vậy Bộ Tài chính cần xác định việc xây dựng và quản lý danh tính số là một công việc quan trọng hàng đầu và cần nhanh chóng triển khai theo mô thức: triển khai trong nội bộ ngành, đẩy mạnh trụ cột danh tính số trong công tác Thuế hướng tới mở rộng tích hợp chia sẻ theo hướng của nghị định đề ra.

Ông Nguyễn Thế Trung cũng cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc đưa ra các quy chế trong nội bộ để việc chia sẻ dữ liệu và sớm hình thành nền tảng chia sẻ dữ liệu và các cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính, dịch chuyển lên điện toán đám mây, cũng như đánh giá chuẩn bị kế hoạch về dữ liệu mở.

 

Đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa đánh giá Bộ Tài chính luôn tiên phong trong triển khai các chủ trương mới của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử, luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra, cũng như thực hiện đúng theo định hướng khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Đại diện của Cục Tin học hóa cho biết trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính trong việc triển khai các nhiệm vụ về Chính phủ điện tử mà Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông

Bên cạnh các tham luận đến từ Cục Tin học và Thống kê tài chính, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nghị cũng được lắng nghe các tham luận đến từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các Sở Tài chính Hà Nội và Sở Tài chính Cần Thơ. Với tinh thần trao đổi và thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng nhau bàn về các giải pháp cụ thể trong việc phối hợp triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian tới. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu để đảm bảo triển khai thành công ứng dụng CNTT trong ngành tài chính theo định hướng của Đảng và Chính phủ, theo kế hoạch hành động của Bộ Tài chính.

Bài và ảnh: Tuệ Anh

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tài chính


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường