Tin trong nước Tin trong nước

CNTT ngành Tài chính phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm bắt cơ hội của Cách mạng 4.0

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng công tác triển khai ứng dụng CNTT, thống kê tài chính trong thời gian tới cần chủ động, sáng tạo, để vượt qua mọi khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 22/10/2019, Hệ thống Tin học Thống kê ngành Tài chính tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (22/10/1989 - 22/10/2019) và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngành Tài chính bắt đầu triển khai ứng dụng CNTT từ năm 1989, đây là năm với những sự kiện lớn trong ngành liên quan đến việc tái cơ cấu lại tổ chức, thiết kế lại các quy trình nghiệp vụ quan trọng của ngành Tài chính, đánh dấu bằng việc chuẩn bị cho sự ra đời hệ thống Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Thuế. Việc đưa CNTT ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ của Ngành lúc này là nhu cầu tất yếu và cấp bách. Bộ đã chỉ đạo thành lập "Tổ nghiên cứu đề án tổ chức hệ thống tin học ngành tài chính" và chọn các đơn vị tư vấn hàng đầu giúp Bộ Tài chính xây dựng đề án "Ứng dụng CNTT để hiện đại hoá hoạt động nghiệp vụ ngành Tài chính", với quan điểm mang tính chiến lược: Hoàn thiện về chính sách - Kiện toàn tổ chức - Hiện đại về công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chúc mừng những kết quả đạt được trong công tác Tin học và Thống kê ngành Tài chính.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống tin học thống kê tài chính đã trở thành công cụ quan trọng trong sự nghiệp hiện đại hoá ngành Tài chính. CNTT đã được ứng dụng trong hầu hết các nghiệp vụ quan trọng với các hệ thống cốt lõi hiện đại, tiên tiến như: hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS), hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS), các dịch vụ điện tử cho người dân và doanh nghiệp được đẩy mạnh: hải quan điện tử, khai - nộp - hoàn thuế điện tử, thanh toán qua mạng, cổng thông tin điện tử. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường truyền đã kết nối, vận hành ổn định tới 100% các đơn vị trong ngành Tài chính.

Trình độ đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao đặc biệt trình độ tin học. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin ngày càng lớn mạnh và chuyên sâu. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ứng dụng CNTT trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả đạt được của hệ thống Tin học và Thống kê ngành Tài chính trong những năm qua, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, năm 2018, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên trong khối cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và là 1 trong 31 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) bình chọn trao giải thưởng quốc tế "ASOCIO Outstanding User Organization 2018" đối với hạng mục tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc khu vực Châu Á, Châu Đại Dương tại Tokyo, Nhật Bản. Hai năm liên tiếp (2017-2018), Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng kết quả về chỉ số tổng hợp mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ; Bảy năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ Tài chính dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT index) khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Lãnh đạo Bộ ghi nhận và biểu dương công sức, cố gắng, nỗ lực của toàn thể các cán bộ tin học - thống kê tài chính trong thời gian qua.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tin học và Thống kê tài chính và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhất diễn ra ngày 22/10/2019.

Thực hiện triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 và gần đây nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra trong hiện đại hoá và cải cách hành chính của Bộ Tài chính là rất lớn, trong đó để thực hiện được thì ứng dụng CNTT là công cụ cốt lõi, nền tảng. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đòi hỏi công tác triển khai ứng dụng CNTT, thống kê tài chính trong thời gian tới cần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ trưởng đưa ra một số các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Tài chính cần khẩn trương thực hiện. Đó là: Xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán – kiểm toán... phù hợp định hướng phát triển kinh tế số. Các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính cần ứng dụng mạnh mẽ hơn các công nghệ mới như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật. Thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các Cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống quản trị an toàn thông tin toàn diện, thống nhất được thiết lập, phù hợp với các giai đoạn chuyển đổi số ngành Tài chính, tuân thủ các quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin. Bên cạnh đó, công tác phổ cập, nâng cao nhận thức, kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho lãnh đạo, cán bộ các cấp của ngành Tài chính cũng cần được chú trọng để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Nguồn Cổng TTĐT Bộ Tài chính

Tin và ảnh: Tuệ Anh          


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường