Tin văn hóa - xã hội Tin văn hóa - xã hội

Giải quyết việc làm cho người lao động hậu dịch Covid-19

(TBTCO) - Tại Việt Nam, khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất thì vấn đề đặt ra là phải giải quyết việc làm, đảm bảo số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động.

Người lao động làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Bùi Tư

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã gây mất việc làm cho hàng triệu lao động tại khu vực chính thức và phi chính thức. Đến nay, khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, thì vấn đề đặt ra là phải giải quyết việc làm cho những người đã bị mất việc, đảm bảo số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động.

Hàng triệu lao động mất việc làm

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020. Kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2020 cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm từ 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2020 là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm, tính đến giữa tháng 4 năm 2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại các địa phương đều ghi nhận số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến. Tại Đà Nẵng, từ tháng 1 - 4/2020, đã có 9.340 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 4.129 người đăng ký trong 27 ngày đầu tháng 4. Trong cả tháng 4 có hơn 5.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại Cần Thơ, tính đến giữa tháng 4, thành phố có 108 doanh nghiệp, 274 hộ kinh doanh cá thể, 21.405 người gặp khó bởi dịch Covid-19, trong đó, 5.310 người có hợp đồng phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên.

Tại Thừa Thiên - Huế, theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh này, lượng người lao động đến trung tâm để làm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong riêng tháng 4 là khoảng 2.000 người. Nếu tính cả 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh này có tổng cộng hơn 3.900 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng một nửa so với cả năm 2019 (cả năm 2019 có 7.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, với tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh và người lao động, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, diễn biến của Covid-19 trên thế giới vẫn đang tác động tiêu cực đến sản xuất và thương mại toàn cầu dù hiện nay các nước đang nỗ lực để mọi thứ bình thường trở lại.

Cần tăng cường đào tạo

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, các địa phương cần khẩn trương xây dựng đề án về cung ứng lao động đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trong đó, cần xác định rõ và cụ thể nhu cầu sử dụng lao động của từng doanh nghiệp, tổ chức; các giải pháp để cung ứng nguồn lao động, xác định vai trò và trách nhiệm của các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương; chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động mất việc do dịch Covid-19 và những đối tượng cần quan tâm; đồng thời, có chính sách thu hút lao động chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hà Nội cho biết, trước mắt, sở phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, với các doanh nghiệp có từ 200 lao động mất việc làm trở lên, sẽ tiến hành tổ chức tư vấn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngay lập tức.

Ngoài ra, sở còn khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia sâu vào đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp để kịp thời cung cấp lực lượng lao động trở lại hậu dịch Covid-19. Sở đã đứng ra kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hiệp hội lao động, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, trung tâm dịch vụ việc làm để xác định nhu cầu đào tạo và triển khai đào tạo.

Theo ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, khảo sát của trung tâm cuối tháng 4 vừa qua cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan. Trong 1.600 doanh nghiệp được khảo sát trên địa bàn, có khoảng 1.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với chỉ tiêu khoảng 13.000 việc làm. Các vị trí cần tuyển dụng chủ yếu là công nhân sản xuất, kỹ sư cơ khí, chế tạo, may mặc... nhu cầu tuyển dụng khá đa dạng.

"Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, tỷ lệ lao động ra khỏi thị trường hay vào lại thị trường lao động tăng hay giảm, có tỷ lệ thuận với nhau hay không chắc chắn còn phải chờ vào diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế được khôi phục thì tỷ lệ lao động quay trở lại thị trường lao động sẽ rất cao. Nếu không được tất cả thì cũng có thể lên tới 80 - 90% tổng số lao động đã bị mất việc làm" - ông Thảo khẳng định.

Ông Thảo cũng cho biết, trung tâm đang đẩy mạnh hệ thống thông tin thị trường lao động trên online ở website, fanpage, tư vấn trực tuyến. Một số công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lớn được trung tâm giới thiệu lên mạng và lập kế hoạch cho các ngày hội việc làm, xây dựng sàn lao động công nghệ thông tin…/.

Nguồn Thời báo TC VN


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường