Tin trong tỉnh Tin trong tỉnh

Đảm bảo nguồn lực phát triển toàn diện miền cực Bắc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người làm công tác tài chính: "Đã tích lũy được vốn, phải biết quản lý đồng vốn, phải biết sử dụng đồng tiền, phải biết tiết kiệm chi tiêu để làm tăng thêm của cải cho xã hội. Cần phải dùng nhiều phương pháp để giữ gìn cho tiền bạc của chúng ta khỏi lãng phí, bị phân tán, bị dùng vào việc ngoài công việc xây dựng cơ bản". Khắc ghi lời dạy của Người, Sở Tài chính Hà Giang đã không ngừng nỗ lực tham mưu cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện miền cực Bắc.

Lãnh đạo Sở Tài chính trao đổi nghiệp vụ với các phòng chuyên môn.


Trong điều kiện đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thu ngân sách nhà nước và chi ngân sách địa phương. Tuy nhiên, với sứ mệnh của mình, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách của Chính phủ về những giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế hàng năm. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng vào phát triển KT-XH địa phương; tạo động lực huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KT-XH. Mặt khác, tham mưu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của doanh nghiệp cũng như triển khai các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh tập trung nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, tạo đà kích thích tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
 
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân trình tự giải quyết các thủ tục.
 
Giai đoạn 2016 – 2020, Sở Tài chính đã tham mưu nhiều giải pháp tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu; giảm dần số thu viện trợ, huy động đóng góp. Minh chứng cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 10.665 tỷ đồng với tốc độ tăng thu bình quân 8,7%/năm. Trong đó, thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so với năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu chi ngân sách địa phương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tốc độ tăng chi bình quân 9,8%/năm, trong đó, năm 2020 ước đạt 16.116 tỷ đồng (tăng 59% so với năm 2015). Hơn nữa, việc thực hiện chi ngân sách địa phương được ngành Tài chính tham mưu quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên để bố trí hợp lý nguồn vốn cho đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đơn cử như, tổng nguồn vốn đã bố trí lồng ghép thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp lên đến 1.261 tỷ đồng; chi cho lĩnh vực GD&ĐT chiếm 43 – 45%, chi sự nghiệp y tế khoảng 12 – 15% tổng chi thường xuyên. Riêng năm 2020, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh lên đến gần 400 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Bắc Quang tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Nhà máy gạch Tuynel thôn An Bình, xã Hùng An (Bắc Quang).
 
Cùng với kết quả trên, năm 2020, Sở Tài chính đã tham mưu cắt giảm quy mô đầu tư, tạm dừng một số dự án chưa thực sự cấp thiết, kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới; bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản, trả nợ vay ngân hàng và Kho bạc Nhà nước (đạt 96,5% theo quy định). Đặc biệt, dư nợ gốc tiền vay của ngân sách tỉnh đảm bảo trong phạm vi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cân đối nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó: Đã cân đối, bố trí trên 1.320 tỷ đồng để thực hiện 2 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và trên 400 tỷ đồng/năm thực hiện các chế độ, chính sách, đề án, phương án, kế hoạch của tỉnh.
Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) đưa cơ giới vào thu hoạch lúa trên cánh đồng "5 cùng".
 
"Việc chi tiêu tài chính phải công khai, sổ sách phải minh bạch và thật thà, kế toán tiền bạc phải hết sức tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô". Ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Tài chính tích cực tham mưu tăng cường phân cấp trong quản lý KT-XH nhưng gắn với việc thanh tra, kiểm tra đối với những nội dung công việc đã phân cấp. Điều này vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, song vẫn đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng nguồn lực tài chính. Hơn nữa, ngành Tài chính cũng quyết liệt thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới – Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ.
Xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
 

Nguồn: Báo điện tử Hà Giang

Bài, ảnh: Thu Phương     

 


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường