Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Bộ Tài chính: tiếp thu, sửa đổi bổ sung Thông tư số 197/2012/TT-BTC
Ngày 15/11/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTChướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Đây là một bước tiếp theo trong việc triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ, trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ với mục tiêu Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ
Trong đó, Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ, đồng thời quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, thay thế phương thức thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước hiện hành. Nghị định số 18/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2012, tuy nhiên, do kinh tế-xã hội nước ta năm 2012 có nhiều khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho lùi thời gian thu phí 07 tháng và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2013. Triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất phương án thu phí. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.
Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ ngành, địa phương liên quan. Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Trong đó, hầu hết ý kiến tham gia đều thống nhất với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư (có 15 cơ quan, tổ chức thống nhất hoàn toàn). Đối với một số cơ quan, tổ chức có ý kiến khác thì ý kiến chỉ tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Về mức thu; về miễn, giảm phí; về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được. Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số đơn vị liên quan để thống nhất về việc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Thông tư. Theo đó, các ý kiến tham gia đã được nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc như: Điều chỉnh giảm mức thu phí đối với xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải (dự thảo Thông tư gửi xin ý kiến quy định mức phí tương ứng bằng 70% mức thu đối với xe tải có cùng trọng tải); Bổ sung quy định không thu phí đối với xe máy điện; Bổ sung quy định miễn thu phí đối với xe mô tô của các hộ nghèo... Về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được: Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ GTVT ban hành riêng 01 Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, số tiền phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ nhưng cũng được quản lý, sử dụng chặt chẽ như đối với khoản thu ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là bước chuyển đổi quan trọng về phương thức thu phí sử dụng đường bộ, để thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ GTVT với Thủ tướng Chính phủ khi xây dựng Nghị định 18/2012/NĐ-CP, khi thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; đối với các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn đầu tư sẽ xoá bỏ.
Nguồn đăng: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường