Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022

Chiều 17/8, trong phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Năm 2022: Tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên so với năm 2021

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết mục tiêu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022 là đảm bảo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, các chế độ an sinh xã hội theo lĩnh vực, địa bàn theo phân cấp hiện hành. Định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022; xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) và số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025.

Về tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022 với các bộ, cơ quan trung ương, Bộ trưởng cho biết sẽ bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế đối với chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể. Dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các Bộ, cơ quan trung ương hằng năm được xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao. Năm 2022, yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên NSNN so với dự toán năm 2021, trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ. Đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên (ngoài quỹ lương và các khoản chi cho con người).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại Phiên họp 2 của UBTVQH

Trong lĩnh vực sự nghiệp, NSNN không hỗ trợ chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo toàn bộ chi đầu tư và thường xuyên, các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, NSNN hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp và nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí. Thực hiện khoán chi ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2022-2025 và yêu cầu giảm tối thiểu 15% so với giai đoạn 2017-2021.Các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, được vận dụng nguyên tắc phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên tắc, tiêu chí phân bổ là ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, khó khăn; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm và những địa phương có cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù. Tiêu chí phân bổ chính là dân số trung bình năm 2022 của từng tỉnh, thành phố.

NSTW sẽ hỗ trợ đối với các địa phương sau khi đã sử dụng các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định mà chưa cân đối đủ nguồn lực để thực hiện. Trường hợp địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố nghiêm trọng, thì địa phương phải chủ động sử dụng dự toán NSĐP, bao gồm cả dự phòng, quỹ dự trữ tài chính,…theo quy định, để khắc phục; trường hợp vượt quá khả năng cân đối của NSĐP, NSTW sẽ hỗ trợ cho NSĐP.

Ưu tiên phân bổ cao hơn cho vùng đặc biệt khó khăn và hải đảo

Kế thừa quy định tại Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH13 của UBTVQH, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đối với các địa phương tiếp tục được xây dựng theo 13 lĩnh vực.

Đối với định mức theo tiêu chí dân số, điều chỉnh định mức chi dân số đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh gấp 2,2 lần so với định mức năm 2017; điều chỉnh định mức theo tiêu chí dân số đối với lĩnh vực y tế để đảm bảo cho công tác phòng bệnh, hỗ trợ công tác khám chữa bệnh đối với những vùng khó khăn, những hoạt động y tế cơ bản thiết yếu khác.

Đối với các lĩnh vực khác, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá CPI và các chế độ chính sách mới ban hành giai đoạn 2018-2021, điều chỉnh định mức phân bổ năm 2022 theo tiêu chí dân số tăng bình quân khoảng 40-50% so với định mức năm 2017, trong đó ưu tiên phân bổ cao hơn cho vùng đặc biệt khó khăn và hải đảo.

Ngoài tiêu chí dân số, năm 2022 cũng bổ sung tiêu chí phân bổ khác như trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng bổ sung hỗ trợ đối với các huyện đảo, xã biên giới, hải đảo, ven biển. Trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, bổ sung tiêu chí đảm bảo các khoản chi cho hoạt động với các địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, khó khăn đạt tối thiểu 20% tổng chi sự nghiệp giáo dục; các nơi còn lại đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 19%...

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khó khăn hoặc có dân số thấp được phân bổ thêm từ 15%-20% theo định mức dân số. Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về NSTW như TP Hà Nội, TP.HCM được phân bổ thêm 80%. TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được phân bổ thêm 70%. Các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về NSTW từ 40% trở lên được phân bổ thêm 60%. Các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về NSTW từ 15% đến dưới 40% được phân bổ thêm 50%. Các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về NSTW còn lại được phân bổ thêm 40% định mức các lĩnh vực chi tính theo dân số.

Toàn cảnh phiên họp

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế là những địa phương Bộ Chính trị đã có Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phân bổ thêm 45% định mức các lĩnh vực chi tính theo dân số.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do tác động tiêu cực và có thể kéo dài của dịch bệnh Covid-19, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 sẽ tiếp tục khó khăn, từ đó ảnh hưởng lớn đến cân đối thu, chi NSNN và từng địa phương, tác động đến việc tính toán tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối để áp dụng cho cả thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Sẵn sàng nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo quy định của Luật NSNN, thời kỳ ổn định ngân sách là "trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm hoặc theo quyết định của Quốc hội". Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề xuất 2 phương án đề nghị UBTVQH xem xét trình Quốc hội quyết định. Theo đó, phương án thứ nhất là xác định thời kỳ ổn định ngân sách từ 2022 - 2025 và phương án thứ hai là từ 2022 - 2026.

Về cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đến thời điểm 1/7/2022 dứt khoát phải thực hiện cải cách tiền lương theo như yêu cầu của Bộ Chính trị. Đồng thời, cương quyết bỏ các cơ chế đặc thù cho các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và Hội đồng cải cách tiền lương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý.

Về tiêu chí phân bổ, theo Chủ tịch Quốc hội, việc tiếp tục sử dụng tiêu chí dân số làm "tiêu chí chính" trong xây dựng định mức phân bổ NSNN đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp, đồng thời nên có các chỉ tiêu bổ sung như về mật độ dân số, di dân tự do, dân cư vãng lai, lao động ngoại tỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Đối với tiêu chí phân loại vùng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tính thêm các yếu tố miền núi, vùng cao bên cạnh 4 vùng làm căn cứ phân bổ ngân sách theo Nghị quyết số 88/2019/QH14.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cám ơn các ý kiến đóng góp, đề xuất của UBTVQH.

Về yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội liên quan đến cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho biết hiện ngân sách các địa phương còn khoảng 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Một số địa phương kiến nghị cho sử dụng nguồn này để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Song, Bộ Tài chính đã trả lời nguồn này dứt khoát dùng để dùng cho cải cách tiền lương. Trường hợp cần nguồn để chi cho phòng chống dịch thì xác định dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên… Nếu không đủ thì phải tiếp tục điều hành tài khóa linh hoạt, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết. "Nguồn cải cách tiền lương đã sẵn sàng để thực hiện", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Liên quan đến định mức cho các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, lãnh đạo ngành Tài chính cho biết theo như Trung ương cho phép, Chính phủ chỉ đạo xác định áp dụng đến 1/7/2022. Sau thời điểm này sẽ chấm dứt áp dụng cơ chế đặc thù.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và thẩm tra chi tiết, cụ thể của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; thống nhất cần sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên để áp dụng khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Với 100% thành viên tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung và giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì phối hợp với các Ủy ban và Bộ Tài chính rà soát thống nhất các nội dung, hoàn thiện Nghị quyết để gửi xin ý kiến UBTVQH, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Tài chính

 

 

 


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường