Quản lý nhà nước về giá Quản lý nhà nước về giá

Điều chỉnh tăng giá xăng dầu (cuối tháng 3/ 2013)

Từ 20 giờ 00 ngày 28/3/2013, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thống nhất điều hành giá xăng dầu. Cụ thể, Xăng điều chỉnh tối đa 1.430 đồng/lít; Dầu điêzen điều chỉnh tối đa 362 đồng/lít; Dầu hỏa điều chỉnh tối đa 480 đồng/lít; Dầu madut điều chỉnh tối đa 807 đồng/kg...

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

     Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; đồng thời qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường trong nước, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính thông tin về tình hình giá xăng dầu và biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay như sau:

     Thứ nhất, từ cuối năm 2012, đầu năm 2013 giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao. Để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước nhằm bình ổn giá cả thị trường, Nhà nước đã liên tục điều hành để giữ ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà sử dụng Quỹ BOG (từ đầu năm 2013 đã có 04 lần điều chỉnh) và hiện nay mức sử dụng Quỹ BOG xăng dầu như sau: xăng: 2.000 đồng/lít, dầu điêzen: 800 đồng/lít, dầu hỏa: 1.150 đồng/lít, dầu madút: 650 đồng/kg).

     Ngày 26/2/2013, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000- 2.300 đồng/lít, khi đóphải điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000- 2.300 đồng/lít. Để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng Quỹ BOG để bù đắp.

     Thứ hai, tại thời điểm hiện nay, mặc dù giá nhập khẩu có giảm so với tháng 2/2013 nhưng vẫn ở mức cao. Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC thì chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành của các chủng loại xăng dầu như sau:

Mặt hàng
Giá bán hiện hành 
Giá cơ sở tính toán theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP
 
Chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán hiện hành
(1)
(2)
(3)=(1)-(2)

1. Xăng RON 92

23.150
24.580
-1.430

2. Dầu điêzen 0,05 S

21.550
21.912
-362

3. Dầu hoả

21.600
22.080
-480

4. Dầu madút 3,5S

17.650
18.457
-807

     Hiện nay, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, Quỹ BOG xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

     Thứ ba, để giải quyết tình trạng trên, cần thiết phải xem xét điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước, ngừng sử dụng Quỹ BOG khi nguồn lực Quỹ không còn để phản ánh đúng giá hàng hóa, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu đồng thời tạo điều kiện để khôi phục nguồn cho Quỹ BOG.

     Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Tài chính-Công Thương xin thông báo việc điều hành giá xăng dầu như sau:

     Một là, ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu;

Hai là, tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí trong giá cơ sở theo quy định thì phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh tối đa giá bán các chủng loại xăng dầu trong nước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) ở nhiệt độ thực tế và ở địa bàn gần cảng nhập khẩu, gần nhà máy sản xuất, chế biến xăng, dầu, cụ thể như sau: Xăng điều chỉnh tối đa 1.430 đồng/lít; Dầu điêzen điều chỉnh tối đa 362 đồng/lít; Dầu hỏa điều chỉnh tối đa 480 đồng/lít; Dầu madut điều chỉnh tối đa 807 đồng/kg.

     Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để quy định giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để tạo lập mặt bằng giá bán xăng dầu cạnh tranh trong nước;

Ba là, về thời điểm thực hiện, thời gian áp dụng ngừng sử dụng Quỹ BOG, khôi phục lợi nhuận định mức thực hiện kể từ 20 giờ ngày 28 tháng 3năm 2013; Thời điểm điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được trước thời điểm ngừng sử dụng Quỹ BOG, khôi phục lợi nhuận định mức phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP.

     Trong thời gian tới, Liên Bộ Tài chính- Công Thương tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

     Đồng thời, Liên Bộ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hoá, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng, dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường