Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị

   Ngày 15/7/2014, tại Hà nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Được sự phân công và ủy quyền của Thường trực UBND tỉnh, Đ/c Lê Thị Xiết – Phó Giám đốc Sở Tài Chính - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN tỉnh Hà Giang và các chuyên viên đã tham dự Hội nghị.

   Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp của Nghị quyết 30 - NQ/TW; Những bất cập khi thực hiện NQ 28/NQ-TW và những vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW.  Các bộ: Tài chính, Lao động thương binh và xã hội, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình bày các báo cáo về  về cơ chế, chính sách tài chính, lao động khi sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; Hướng dẫn thực hiện rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ảnh: Toàn  cảnh Hội nghị

   Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: hiện nay, trên phạm vi cả nước có tổng số 319 công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp lại, trong đó gồm 203 đơn vị do địa phương quản lý, 116 đơn vị do Trung ương quản lý; có 156 công ty nông nghiệp, có 163 công ty lâm nghiệp. Các công ty này sử dụng tổng diện tích đất gần 3 triệu ha. Triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Bộ tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng; rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp. Xác định rõ diện tích các loại đất quản lý, sử dụng cho từng mục đích…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu, đến cuối năm 2015 hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất hoặc giao đất; chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp, để hoang hóa, các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về địa phương quản lý, sử dụng. Đặc biệt, sẽ kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi công ty không có nhu cầu sử dụng, khoán trắng…

   Tại hội nghị các đại biểu đã nghiên cứu, thảo luận tham gia ý kiến vào dự thảo  Nghị định của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp thay thế các Nghị định 170/2004/NĐ-CP và Nghị định 200/2004/NĐ-CP và dự thảo các Thông tư Hướng dẫn về phương án quản lý rừng bền vững; Quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất. Đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành có các cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như:

   - Đối với các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục duy trì là công ty 100% vốn Nhà nước thì việc xác định vốn điều lệ dựa vào đối tượng sản xuất của các doanh nghiệp này là cây trồng hay con gia súc…

   - Tư liệu sản xuất là đất đai và cây rừng có chu kỳ dài, vốn đầu tư lớn, nhưng khi vay vốn ngân hàng để đầu tư thường chu kỳ cho vay ngắn hạn, lãi suất cao, thời gian trả nợ chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất,..

   - Tình hình công nợ trong các công ty nông lâm nghiệp: Hộ dân nợ công ty, công ty nợ Ngân hàng;

   - Việc cho thuê đất đối với các Công ty Nông lâm nghiệp và chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất rừng hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số..

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị (nguồn internet)

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ:

-  Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nền kinh tế.

-  Vấn đề quan trọng, cũng là vấn đề phức tạp nhất trong việc đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là vấn đề đất đai. Đồng chí chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất rừng thời gian qua và yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng theo phương châm, nguyên tắc:  Đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể quản lý, sử dụng có hiệu quả; gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng. Việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc về đất đai, nhất là đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc, bảo đảm ổn định xã hội và thực hiện tốt việc đổi mới quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng. Các công ty nông, lâm nghiệp cần được xây dựng thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước doanh nghiệp và người dân; xử lý hợp lý mối quan hệ này nhằm tạo động lực cho sự phát triển;Tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa.

- Các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công  ty phải phân loại doanh nghiệp để lựa chọn hình thức chuyển đổi cho phù hợp:

+ Việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường.

+ Trước mắt đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, nhà nước vẫn giữ 100% vốn. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho công ty để tổ chức sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Đối với các công ty nông nghiệp có thể cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 65% vốn, tiến tới giảm dần, nhà nước không chi phối.

+ Việc cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp phải được tiến hành thận trọng vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến người dân địa phương nên cần phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, có thể thành lập ban chỉ đạo riêng để thực hiện; Các đại biểu dự HN về phải báo cáo chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư tỉnh ủy để chỉ đạo. Thực tế ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, ở đó thành công, phó thủ tướng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các công ty nông, lâm nghiệp.

+ Đối với các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm; các công ty có quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại phải giải thể, xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây) và bàn giao đất đai về địa phương quản lý bảo đảm quyền lợi của người đang nhận khoán, ổn định xã hội tại địa phương; xử lý nghiêm các sai phạm.

- Các điạ phương phải tập trung rà soát,  điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các công ty này; xác định rõ diện tích các loại đất, sử dụng đúng mục đích từng loại đất. Đến năm 2015 phải hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, hoang hóa, các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về địa phương quản lý, sử dụng. Kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được hoàn thành trong năm 2015. Các địa phương sau khi tiếp nhận đất phải tiến hành rà soát lại từng đối tượng sử dụng đất, diện tích của từng đối tượng đang sử dụng gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương để thực hiện giao lại hoặc cho thuê theo quy định.

- Các Bộ, ngành cần sớm hoàn chỉnh các cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn xử lý các vướng mắc trong việc xác định giá trị doanh nghiệp như: các tồn tại về công nợ; tiền thuê đất; chính sách lao động dôi dư…Bộ Tài chính xem xét tham mưu về việc hỗ trợ kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính và kinh phí cấp giấy chứng nhần QSD đất, xác định gianh giới và cắm mốc trên thực địa cho các địa phương ..

Đối với tỉnh Hà Giang, thực hiện NQ 28/NQ-TW, tỉnh đã sắp xếp lại các công ty nông lâm nghiệp thuộc địa phương quản lý: chuyển 4 lâm trường địa phương thành các Ban quản lý; Cổ phần hóa Công ty chè Hùng An và giải thể Công ty chè –Cà phê Việt Lâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 công ty lâm trường trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam là: Công ty lâm trường Vĩnh Hảo; Công ty lâm trường Cầu Ham; Công ty lâm trường Ngòi Sảo. Theo Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Tổng Công ty giấy Việt Nam sẽ thực hiện Cổ phần hóa trong năm 2015. Ngay sau khi nhận được Nghị quyết số  30/NQ-TW, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam thống nhất thành lập tổ công tác liên ngành do đồng chí Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước tỉnh làm Tổ trưởng; đ/c Phó vụ trưởng vụ công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương, đ/c Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt nam là tổ phó và các tổ viên gồm các đ/c Lãnh đạo, chuyên viên của Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghệp & Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở kế hoạch & đầu tư, Chi cục Lâm nghiệp, UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình, Tổng công ty Giấy Việt Nam và 3 Công ty lâm trường thuộc tổng công ty Giấy trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phương án phối hợp chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp trực thuộc tổng Công ty Giấy Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tổ công tác đã xây dựng kế hoạch, lộ trình các bước triển khai công việc và đang hoàn thiện kế hoạch báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Công Thương và Tổng Công ty Giấy Việt Nam để tổ chức thực hiện. Dự kiến trước ngày 25/7/2014 sẽ hoàn thành ./.

                                           Lê Thị Xiết - PGĐ Sở Tài Chính

 


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường