Tin trong nước Tin trong nước

Luật Đầu tư công Không hướng dẫn cụ thể, thực hiện vẫn vướng

Theo Bộ Tài chính, hiện nay một số nguồn vốn đầu tư công đã được bố trí cho các chương trình, dự án gặp vướng mắc về hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt, nếu không hướng dẫn trong nghị định sẽ tiếp tục vướng mắc dẫn đến khó thực hiện.

Trình tự, thủ tục phê duyệt dự án còn gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: TL.

Hướng dẫn về trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đảm bảo thống nhất

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Bộ Tài chính đã có văn bản tham gia về một số nội dung.

Theo Bộ Tài chính, Luật Đầu tư công năm 2019 (khoản 3 Điều 40) quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật liên quan, trừ dự án quan trọng quốc gia. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát toàn bộ các nội dung quy định về hồ sơ, nội dung thẩm định dự án, thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư có cấu phần xây dựng đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật xây dựng, tránh chồng chéo, vướng mắc trong thực hiện, phát sinh thủ tục.

Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn là một nội dung trong thẩm định chủ trương đầu tư; việc quy định như dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đến thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là một thủ tục riêng, phát sinh thủ tục hành chính, do vậy Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn.

Hiện nay, một số nguồn vốn đầu tư công là nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã được bố trí cho các chương trình, dự án nhưng vướng mắc về hồ sơ, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án. Thực tế Luật Đầu tư công không quy định hướng dẫn, tuy nhiên nếu không có hướng dẫn trong nghị định sẽ tiếp tục vướng mắc dẫn đến tình trạng văn bản pháp luật ban hành nhưng không thực hiện được, không phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể đối với các nhiệm vụ, dự án, như: Các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng; dự án sử dụng từ nguồn vốn để lại từ hoạt động dầu khí, dự án sử dụng nguồn vốn Viettel, vốn thu tiền sử dụng đất của các bộ, ngành…;  dự án khẩn cấp; nhiệm vụ quy hoạch; các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về sự cần thiết phải hướng dẫn về hồ sơ, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đảm bảo thống nhất thực hiện.

Theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công, vốn đầu tư công gồm vốn NSNN và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định. Do vậy, để thống nhất thực hiện, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quy định cụ thể các nguồn vốn nào là các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; đồng thời gắn với việc hướng dẫn về hồ sơ, nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn trên.

Đối với các dự án do doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công (Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Đường sắt…) cần quy định cơ quan nào quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, giao vốn, thực hiện, chế độ báo cáo…

Thế nào là "trường hợp bất khả kháng"?

Tại Khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công quy định: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau.

Bộ Tài chính đề nghị cần hướng dẫn thực hiện quy định cụ thể đối với trường hợp bất khả kháng là như thế nào cho rõ ràng; trong đó, cần quy định về điều kiện, thủ tục, thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp để đảm bảo thuận lợi cho khâu chấp hành và quyết toán NSNN.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị quy định trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi như sau: Để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý nợ công theo Luật Quản lý nợ công (khoản 1 Điều 5), các trường hợp điều chỉnh dự án dẫn đến tác động nghĩa vụ vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ cần báo cáo Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, việc thay đổi một trong các nội dung sau của dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi thì cần điều chỉnh chủ trương đầu tư: cơ quan chủ quản; mục tiêu, nội dung chính của dự án đầu tư; tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi phân bổ cho từng chủ đầu tư; thay đổi điều kiện huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài dẫn đến tăng chi phí trả nợ nước ngoài của Chính phủ; cơ chế tài chính đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; thay đổi thời gian thực hiện dự án trên 12 tháng so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư ban đầu./.

Về hồ sơ (thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án...), nhằm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian phê duyệt các hồ sơ, thủ tục liên quan đến chương trình dự án đầu tư công của cấp có thẩm quyền trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung thêm quy định về hồ sơ gửi bằng bản chính hay bản sao có đóng dấu sao y của đơn vị gửi. Đồng thời, rà soát, quy định cụ thể hồ sơ gửi, tránh quy định chung chung như các tài liệu liên quan khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Bộ Tài chính cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đối với các dự án có sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn (vốn NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).

 

 

Nguồn: Thời Báo Tài chính online      

Tác giả: Nguyễn Thị Loan (Vụ Đầu tư)


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường