Tin trong tỉnh Tin trong tỉnh

Thủ tướng Chính phủ: "dịch làm khó khăn gấp đôi, cần làm gấp ba"

Sáng 10.4, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid – 19. Dự tại các điểm cầu trực tuyến T.Ư có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế… Dự tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh ở các điểm cầu trực tuyến tại cơ quan, đơn vị.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Báo cáo của Chính phủ, tính đến hết ngày 9.4, trên thế giới đã có 209 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm Covid-19, trên 80.000 người tử vong vì dịch; có trên một nửa dân số thế giới đang thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch. Dịch Covid – 19 gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến nền kinh tế thế giới và nước ta. Trong quý I năm nay, GDP của nước ta chỉ tăng 3,82%, mức thấp nhất trong 10 năm qua, bằng một nửa kế hoạch đề ra; chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa bị gián đoạn, đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX phải tạm dừng hoạt động, hoặc sản xuất kinh doanh cầm chừng, gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn…

Đối với tỉnh ta trong quý I, tổng vốn đầu tư phát triển giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước; có 53 doanh nghiệp và 4 đơn vị trực thuộc ngừng hoạt động; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 60,9 triệu USD, giảm trên 34% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 224 nghìn lượt, giảm 20% so với cùng kỳ, doanh thu giảm 15%; có trên 7.300 khách hàng/2.027 tỷ đồng khó trả nợ, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế; giá trị sản xuất công nghiệp giảm gần 10%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3 giảm 12,14% so với tháng trước; trên 33.800 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid – 19, trong đó có gần 900 lao động ngừng làm việc…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hộ kinh doanh; cắt giảm các loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; hỗ trợ trực tiếp cho các lực lượng phòng, chống dịch, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh; dự kiến bố trí các gói tín dụng kích thích sản xuất, kinh doanh, giãn nợ cho doanh nghiệp; cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, hoạt động công vụ; cắt giảm các chi phí không cần thiết trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước… Lãnh đạo các địa phương cũng báo cáo những giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ý kiến của các bộ, ngành và địa phương tại hội nghị rất thực tế, thiết thực, đúng hướng, thể hiện quyết tâm cao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời điểm hiện nay tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện cách ly xã hội, giữ khoảng cách trong sản xuất, kinh doanh; cả nước chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, với tinh thần "dịch làm khó khăn gấp đôi, cần làm gấp ba"; chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ tại một số địa phương, bộ, ngành trong thời gian qua; công tác lãnh, chỉ đạo cần cụ thể, sáng tạo hơn, trên tinh thần "biến nguy cơ thành thời cơ", với giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế; các bộ ngành và địa phương cũng cần tích cực tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng xuất nhập khẩu; chống đầu cơ và kiên quyết xử lý tình trạng găm hàng, tăng giá; giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản ở các thành phố lớn; tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại trên vai trò Chủ tịch Asean và hỗ trợ các nước Lào và Cam - pu – chia phòng, chống dịch; ngành truyền thông cần đổi mới thương thức tuyên truyền, tạo sự khí thế, đồng lòng của người dân… hướng tới mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh song hành với phát triển KT – XH. Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành xây dựng kịch bản đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ…

Nguồn: Báo Hà Giang

Tác giả: Duy Tuấn  


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường