Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Mở rộng kết nối Tabmis, cải cách mạnh mẽ tài chính công

(TBTCVN) - Sau 14 năm triển khai, Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) nay đã trở thành "xương sống" trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách quốc gia, góp phần hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước.

Kho bạc Nhà nước là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công nghệ quản lý. Ảnh Trần Thắng

Thời gian tới, hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục mở rộng kết nối Tabmis, cải cách mạnh mẽ tài chính công, hình thành quy trình thực hiện ngân sách khép kín, hiện đại.

Tiến bộ lớn trong các nghiệp vụ kho bạc

Với việc hoàn thành triển khai hệ thống Tabmis, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tiếp nhận vận hành hệ thống thông tin lõi phục vụ công tác quản lý ngân sách ngành Tài chính, kết nối hệ thống KBNN, kết nối các cơ quan tài chính từ trung ương đến địa phương và các đơn vị bộ, ngành.

KBNN triển khai hệ thống Tabmis từ đầu quý II/2006, đến nay được sử dụng bởi khoảng 8.000 người dùng đồng thời (11.500 người dùng được cấp quyền) từ một số bộ, ngành, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính, KBNN trung ương, cũng như từ cơ quan tài chính và kho bạc các địa phương. Một số ứng dụng tập trung ngoài Tabmis, như hệ thống quản lý thu ngân sách, hệ thống thanh toán điện tử tập trung, cổng dịch vụ công điện tử… đã được kết nối với Tabmis.

Thực hiện quy trình ngân sách khép kín, hiện đại

Thời gian tới, Tabmis được hướng tới mở rộng kết nối với cả các cơ quan liên quan như các bộ, ngành, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thành quy trình thực hiện ngân sách khép kín, hiện đại; đồng thời triển khai đầy đủ các giao diện với các chương trình ứng dụng khác như: hệ thống lập ngân sách của các bộ, ngành; hệ thống thông tin quản lý tích hợp của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; hệ thống quản lý nợ chính phủ; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng…, nhằm tạo nên hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp.

Theo KBNN, kể từ khi triển khai Tabmis đến nay đã có những tiến bộ lớn trong các nghiệp vụ kho bạc, phù hợp với yêu cầu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Một số bước tiến quan trọng kể từ khi triển khai Tabmis phải kể đến đó là: Mọi giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đều được ghi nhận và đối chiếu ngân hàng được thực hiện qua Tabmis hàng ngày. Mọi khoản chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả tạm ứng theo chế độ quy định về hợp đồng và ứng trước dự toán năm sau) và các khoản cam kết chi vượt ngưỡng quy định đều được ghi nhận trong Tabmis. Phần lớn các khoản thanh toán chi NSNN được thực hiện qua phương thức điện tử, thông qua kết nối tài khoản thanh toán tập trung với Tabmis và hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng như các hệ thống thanh toán điện tử song phương.

Bên cạnh đó, một cổng dịch vụ công đã được xây dựng năm 2018, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể truy cập để sử dụng một số tính năng quản lý tài chính công như đề nghị thanh toán và giao nhận hồ sơ qua mạng. Việc thiết lập kho dữ liệu và sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu phục vụ cho quản trị đã giúp cải thiện công tác cung cấp thông tin của KBNN, phục vụ cho việc ra quyết định, báo cáo, cũng như trao đổi dữ liệu với Bộ Tài chính về số thu, chi NSNN. Số lượng bình quân báo cáo được tạo ra thông qua kho dữ liệu là khoảng 10.000 - 15.000 mỗi ngày.

Năng lực của Cục Công nghệ thông tin thuộc KBNN đã được tăng cường để hỗ trợ các hoạt động Tabmis. Từ năm 2017 đến nay, KBNN đã cung cấp trực tuyến báo cáo thu, chi NSNN hàng ngày cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Sẽ triển khai lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống Tabmis

Cùng với việc triển khai Dự án Tabmis, KBNN cũng nghiên cứu, phát triển, đồng thời, chuẩn hóa các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kể cả trong quản lý và quản trị KBNN để hình thành hệ thống các ứng dụng CNTT tập trung với

Tabmis là trung tâm như: triển khai dự án hiện đại hóa thu để tạo thông tin, dữ liệu đầu vào về thu NSNN cho Tabmis; phát triển và nâng cấp chương trình thanh toán điện tử trong nội bộ hệ thống KBNN; thiết lập cổng giao diện với Tabmis để hỗ trợ người dùng trong việc giảm bớt áp lực nhập liệu…

Đánh giá về dự án này, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng nhận định, KBNN đã tập trung triển khai có kết quả các đề án, cơ chế chính sách thuộc Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Đặc biệt, tập trung triển khai quyết liệt Dự án Tabmis - cấu phần lớn nhất của Dự án Cải cách quản lý tài chính công, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì triển khai trong khuôn khổ "Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010". Việc triển khai thành công dự án này góp phần rất lớn vào hiện đại hóa công tác quản lý NSNN từ khâu lập kế hoạch, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính công; đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình phát triển và hội nhập quốc gia.

Có thể nói, trong khối các tổng cục thuộc Bộ Tài chính, KBNN là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng CNTT, đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ quản lý. Việc triển khai hệ thống Tabmis là một ví dụ. Đây là một dự án cải cách quản lý tài chính công quan trọng được KBNN xây dựng, triển khai và vận hành thông suốt; từ đó, phục vụ hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, được Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao. Bởi lẽ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia triển khai thành công Hệ thống thông tin quản lý tài chính, ngân sách tập trung rất lớn với quy mô cả nước, dựa trên nền tảng công nghệ hoạch định nguồn lực.

Với những kết quả ứng dụng CNTT quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, KBNN đặt mục tiêu tiếp tục ứng dụng và từng bước hình thành các nền tảng công nghệ hiện đại hướng tới hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, KBNN xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử và kiến trúc chính phủ điện tử ngành Tài chính, đảm bảo khả năng trao đổi thông tin theo thời gian thực với các hệ thống CNTT của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.

KBNN sẽ phải xây dựng và triển khai lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống Tabmis và các hệ thống CNTT thành hệ thống ngân sách và kế toán nhà nước số, có khả năng cung cấp thông tin, báo cáo đa chiều và mở rộng khả năng truy cập (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đóng vai trò là hệ thống lõi trong kiến trúc công nghệ thông tin KBNN, tích hợp, kết nối dữ liệu tự động với các hệ thống, ứng dụng CNTT có liên quan; sử dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính - ngân sách. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp các dịch vụ kho bạc và dữ liệu mở về tài chính – ngân sách quốc gia, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ cũng là nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới. KBNN sẽ nghiên cứu ứng dụng thành quả kỹ thuật của cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường số hóa.

Hướng tới hình thành Kho bạc số vào năm 2030

Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu tiếp tục ứng dụng và từng bước hình thành các nền tảng công nghệ hiện đại hướng tới hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Kho bạc Nhà nước xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử và kiến trúc chính phủ điện tử ngành Tài chính, đảm bảo khả năng trao đổi thông tin theo thời gian thực với các hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan.

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam

Tác giả: Minh Anh            


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường