Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Thiết lập nền tảng cho kinh tế năm 2013 phát triển bền vững

(eFinance Online) - Sau gần hai năm thực hiện các nỗ lực ổn định hóa nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, trong đó, khắc phục những yếu kém về tăng trưởng kém bền vững, cũng như những yếu tố dể tổn thương đã tích tụ dần trong quá trình phát triển là việc cần khẩn trương khắc phục trong thời gian tới.

Đây là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra hôm nay, ngày 10/12, tại Hà Nội.

Nền kinh tế đang mất đi động lực

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2012, kinh tế Việt Nam phải đối diện với những thách thức cả trong và ngoài nước. Trên bình diện quốc tế, kinh tế thế giới trải qua một năm đầy biến động với việc nợ công ở các nước phát triển tăng cao, nguy cơ trì trệ chưa được đẩy lùi. Trong nước, những hệ quả của thời kỳ tăng trưởng dựa vào chiều rộng, đặc biệt, sự mở rộng quá mức về tín dụng, đầu tư và hoạt động đầu cơ vào các tài sản phi sản xuất, cũng như việc dồn nguồn lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để chống đỡ các khó khăn của năm 2011 khiến cho nguồn lực và công tác điều hành năm 2012 trở nên phức tạp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng các Nhà tài trợ khắc phục khó khăn, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ vậy, dù còn tồn tại một số hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ như GDP dự kiến đạt 5,2%, lãi suất giảm so với đầu năm, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5% thanh khoản của hệ thống tín dụng được cải thiện đáng kể, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống được đẩy lùi…

Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam - Sanjay Kalra cho biết: Trong những năm qua và trước khi xảy ra việc suy giảm kinh tế gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ không bền vững về dài hạn, và những yếu tố dễ tổn thương đã tích tụ dần trong quá trình phát triển đó. Điều này cùng những hạn chế về cơ cấu đã làm giảm viển cảnh tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam.

Thực tế, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 đã có khá hơn so với năm trước với lạm phát chung giảm từ hơn 20% và đưa lạm phát xuống một con số. Làm được điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát, cán cân vãng lai đã thặng dư với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh. Cùng với đó, tỷ giá hối đoái đã ổn định trong năm nay và mức dự trữ quốc tế đã tăng lên.

Với những thành tựu này, Chính phủ Việt Nam đã cải thiện được lòng tin trong điều hành kinh tế vĩ mô đối với dân chúng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - bà Victoria Kwakwa, vẫn còn nhiều thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam khi mà xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua - năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 - cho thấy nền kinh tế đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù lạm phát chung có giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, cùng với cầu yếu ớt, có thể cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao. Không những thế, mặc dù thanh khoản trong ngành Ngân hàng vẫn dồi dào nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng lại rất yếu và tiến độ cải cách khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước chậm hơn so với mức cần thiết để tạo nền móng cho mức tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Tất cả những điều này đang diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất trắc và Việt Nam hiện không có nhiều không gian chính sách để giảm bớt các tác động tiêu cực.

"Nếu không có những giải pháp quyết đoán, thì chi phí để giải quyết những thách thức này sẽ cao. Ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính cao đến mức 30 - 40% GDP. Không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội", Bà Kwakwa khuyến cáo.

Việt Nam vẫn cần nguồn tài trợ lớn

Kết thúc năm 2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết dự định chính sách của Chính phủ Việt Nam trong năm 2013 tới là sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, tăng trưởng cao hơn 2012, đẩy mạnh thực thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững trong dài hạn.

Cụ thể, tập trung điều hành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho, đặc biệt là tồn kho bất động sản… thúc đẩy tiêu dùng nhằm tăng nhanh tổng cầu cho nền kinh tế; Khẩn trương giải quyết nợ xấu để khai thông tín dụng đến với doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro gây mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, đồng thời, tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước, phấn đấu tới cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức 3 - 4%.

Đặc biệt, tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA, hoàn thiện các cơ chế thu hút đầu tư tư nhân như PPP, BOT, BT…

Đối với quan hệ hợp tác phát triển, Chính phủ Việt Nam phấn đấu đẩy mạnh hiệu quả và giải ngân vốn ODA tương xứng với tầm quan trọng của nguồn vốn này.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng tỏ ra khá lo lắng với tình hình kinh tế năm tới, khi mà 2013 vẫn là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các quốc gia viện trợ. - "Chính phủ Việt Nam hiểu rằng, các Nhà tài trợ cũng cần cân nhắc rất kỹ việc phân bổ tài trợ của mình trong bối cảnh khuôn khổ ngân sách ngày càng chặt chẽ, song Việt Nam mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vì đây vẫn sẽ là nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Nguồn taichinhdientu.vn

 


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường