Tin tức tài chính Tin tức tài chính

Hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Ngày 14 tháng 01 năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ.

        Theo quy định của Thông tư, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp xử phạt hành vi kê khai tài sản để đăng nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN) không đúng thời hạn quy định. Đối với các hành vi được áp dụng một trong hai hình thức xử phạt chính (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền) thì hình thức xử phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với vi phạm lần đầu và không có tình tiết tăng nặng.

        Đối với những hành vi chỉ quy định hình thức phạt tiền hoặc không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng trung bình giữa mức tối đa của khung hình phạt và mức tối thiểu của khung hình phạt. Cứ một tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì mức tiền phạt được giảm hoặc tăng 20% so với mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó, nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu và không được cao hơn mức tối đa của khung hình phạt. Khi xác định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc có một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ, nếu còn tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì áp dụng theo các nguyên tắc nêu trên.

         Đối với hành vi sử dụng số liệu về tài sản nhà nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân là hành vi sử dụng thông tin lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước vào các mục đích khác ngoài các mục đích được quy định tại Thông tư số 123/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, khai thác Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước mà không được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép. Cơ quan có thẩm quyền quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước cũng được quy định cụ thể. Theo đó, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với Cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị là cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với Cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN thuộc trường hợp phải thu hồi TSNN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN, Thông tư quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP có trách nhiệm gửi hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để ra quyết định thu hồi tài sản theo quy định, … Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014 (chi tiết xem Thông tư đính kèm).

Thông tư số 07/2014/TT-BTC.pdf

Nghị định số 192/2013/ND-CP.pdf

                                                 Lê Thị Thủy - Phòng Quản lý công sản


TRƯNG CẦU Ý KIẾN TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Giao diện và nội dung Trang tin điện tử Sở Tài Chính Hà Giang?

Thông Tin Thị Trường Thông Tin Thị Trường